CÁCH LÀM CHUỒNG GÀ

cach-lam-chuong-ga


Bài viết này sẽ hướng dẫn anh em cách thiết kế và làm chuồng nuôi gà đạt hiệu quả cao nhất, áp dụng cho tất cả các mô hình nuôi gà từ lớn đến bé.

Bài viết khá dài, nhưng có nhiều anh em trong hội đóng góp chia sẻ kinh nghiệm quá mà

Nên anh em thông cảm - cần học chỗ nào thì đọc chỗ đó nhé.

Mình sẽ trình bày cho dễ đọc nhất có thể.

_________________________________


Đầu tiên xin mời anh em xem một video để thấy việc xây một cái chuồng Gà cũng không quá khó. Chỉ xem để học cách thiết kế cơ bản thôi nhé!.

Ngay cả sinh tồn trong một điều kiện thiếu thốn, con người ta cũng xây dựng được một ngôi nhà khá tốt từ chính những vật liệu xung quanh.



***




1. Nên chọn hướng nào làm chuồng gà là tốt nhất? Vì sao?

• Việt nam là nước khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có 2 mùa nắng mưa rõ rệt ở miền nam và 4 mùa rõ rệt ở miền bắc. Thế nên khi làm chuồng gà cần phải xem xét lựa chọn hướng chuồng sao cho hợp lý nhất.

• Anh em nên xây dựng chuồng gà sao cho cửa chuồng hướng về hướng Đông Nam, đó là hướng tốt nhất. Mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Lấy được ánh nắng ấm áp buổi sáng - tránh ánh nắng nóng rát của buổi chiều.

• Nếu khổ đất của anh em không phù hợp để chọn hướng đông nam thì có thể thiết kế của sổ thoáng hướng đông nam, còn các hướng khác cửa có thể khép kín lại được. Để khi gió mưa thất thường chúng ta có thể khắc phục được.

Lưu ý: Anh em nên chọn nơi cao ráo, không bị ngập úng, dễ thoát nước. Rút kinh nghiệm của một số anh em khi gặp thời tiết mưa bão là ngập sạch cả đàn gà.

Xem thêm: Cách làm đệm lót chuồng Gà.

cách làm chuồng gà

Mô hình làm chuồng gà cho anh em tham khảo

***


2. Cách làm chuồng gà - dựa theo số lượng gà bạn muốn nuôi.

 ■ Mô hình nuôi gà với số lượng ít ( dưới 50 con).

• Anh em có thể tận dụng các vật liệu có sẵn ngay trong gia đình nhà mình trước như Tre, lứa, gỗ các loại cây... Đảm bảo mật độ 5 -7 con/m² là được.


cách làm chuồng gà

Làm chuồng gà đơn giản nhất có thể - Chỉ cần mái che và sạp đỗ


• Sạp đỗ có thể làm bằng tre nứa cao 40 - 50 cm so với nền chuồng. Nền chuồng nên láng bằng 1 lớp xi măng, rải một lớp chấu hoặc cát mỏng, để phân gà rơi xuống tránh bẩn, ẩm ướt, và dễ dàng vệ sinh.

• Làm chuồng nơi cao ráo, hướng Đông Nam. Nên thiết kế thêm mái che chắn khi gặp mưa to gió lớn. Như chuồng gà hình trên chắc anh em chỉ cần che tấm ni-lông lên là xong.

cách làm chuồng gà

• Sân chơi cho gà, anh em có thể trải ít cát nhé, cát vàng thì càng tốt. Gà ít bị bệnh, sạch sẽ, không có rận mạt mà vẫn có chỗ chơi để có chất lượng thịt gà luôn luôn ngon nhất.


■ Làm chuồng gà để nuôi từ 100 con đến 1000 con.


cách làm chuồng gà

Khi nuôi nhiều gà - nên phân đàn thành nhiều ô nhỏ.


• Chuồng nuôi gà nên làm theo kiểu thông thoáng tự nhiên. Chiều cao nên để tầm 3m, chiều dài tùy ý nhưng ngăn thành nhiều ô, đảm bảo mỗi ô chỉ nên nuôi từ 100 - 200 con. Dàn đều mật độ gà ra toàn chuồng sẽ giúp gà không bị "xô" - ăn uống đều hơn, quản lý tốt hơn.

• Mái chuồng nếu có điều kiện thì lợp hẳn tôn lạnh, giá khoảng 130k/m² cao hơn tôn thường khoảng 25k. Nhưng anh em sẽ đỡ rất nhiều chi phí làm mát chuồng vào mùa hè sau này.

cach lam chuong ga

Sân chơi cho gà nên san phẳng - hoặc trải cát.

Nền chuồng gà đầm kỹ, láng xi măng, nên để hơi dốc một chút dễ thoát nước khi rửa nền sau khi bán gà.

• Mật độ đàn gà nuôi nếu không có sạp đậu khoảng 5 con/m² - Còn nếu có sạp đậu hình thang thì có thể tăng lên 8 con/m²


cách làm chuồng gà

• Nếu nuôi gà thả vườn thì xung quanh vườn phải rào chắn để gà không chui ra ngoài.

• Vườn thả phải san lấp phẳng tránh tạo thành vũng nước sau mưa, rất dễ sinh bệnh cho đàn gà. Nên đổ cát anh em nhé. Sẽ đỡ được rất nhiều bệnh sau này, nhất là bệnh cầu trùng.

• Không cần diện tích sân chơi quá rộng đâu anh em nhé, cứ 3 con/m² là đủ. Thả rộng quá khó kiểm soát lắm, mà cũng mất nhiều công vệ sinh.

Xem thêm: Cách phòng, trị bệnh cho Gà hiệu quả.

cách làm chuồng gà


■ Nuôi gà từ 1000 con gà trở nên - cần làm chuồng như thế nào?

Khi nuôi gà với số lượng nhiều thì vấn đề vệ sinh và phòng bệnh trở nên rất quan trọng. Anh em cần phải phân lô, chia khu rõ ràng để quản lý, giảm thiểu rủi ro.


cách làm chuồng gà

Cách làm chuồng gà của công ty Dabaco

• Trước cửa ra vào chuồng nên có hố sát trùng. Nhằm đảm bảo kiểm soát dịch bệnh tối đa cho đàn mấy nghìn con của anh em, bởi chúng chỉ cần ốm thôi là đã tiêu tốn kha khá chi phí tiền thuốc thang. Chính vì vậy khi nuôi gà với số lượng lớn anh em cần phòng bệnh là chính. Mà để làm được tốt thì khi thiết kế chuồng gà chúng ta đã phải nghĩ đến các biện pháp vệ sinh, phòng chống bệnh tật rồi.

• Vậy nên cần phải có chuồng cách ly để có chăm sóc cho những con gầy gò ốm yếu trong đàn, tránh tình trạng " một con ngựa đau, cả đàn bị bệnh " anh em nhé!


■ Cách làm chuồng gà để thả ở vườn và trên đồi.

• Nền đất phải kiên cố, dễ vệ sinh, dễ sát trùng tiêu độc

• Nền có độ dốc thích hợp dễ thoát nước, không ẩm ướt, tránh bị chuột đào bới, anh em nên láng xi - cát hoặc lát gạch cho dễ vệ sinh.

cách làm chuồng gà

Làm chuồng thả gà tại vườn.


Mái chuồng làm bằng vật liệu khó hấp thu nhiệt để chống nóng. Mái có thể lợp bằng bờ lô xi măng hoặc mái lá. Nên lợp kéo dài ra thêm khoảng 1m. Tránh bị mưa tạt vào trong chuồng.

• Nuôi thả đồi, hoặc vườn sẽ khó phân chia đàn gà thành các ô nhỏ, nhưng nếu anh em làm được thì vẫn tốt hơn. Dễ kiểm soát hơn, gà lớn đồng đều hơn.

• Nên tận dụng tre, lứa, thân cây làm thêm chỗ đậu cho gà. Nhất là ở trong chuồng, vì gà nằm ở dưới nền đất rất dễ bị ốm.

Xem thêm: Kinh nghiệm chống trộm cho chuồng Gà.

cách làm chuồng gà

Nên làm thêm chỗ đậu khi nuôi gà thả vườn


• Hệ thống cống rãnh: Khi làm chuồng nuôi gà, anh em nên thiết kế hệ thống cống rãnh ngầm, đồng thời có đường thoát nước bên ngoài để tránh hiện tượng đọng nước xung quanh.

• Sân chơi của gà cần dễ  thoát nước, không nên có vũng nước tù đọng, rác bẩn.

• Nên khử trùng, quét dọn lông lá, phân gà ở sân thả gà khoảng 1 tuần 1 lần. Tránh dịch bệnh phát triển.

cách làm chuồng gà

***


3. Những vấn đề cần lưu ý khi làm chuồng gà


" Để thiết kế ra được 1 cái chuồng gà phù hợp nhất, nuôi gà ít bị bệnh, anh em cần phải nêu ra được các vấn đề có thể gặp trong lúc nuôi gà và dựa vào đó chúng ta mới thiết kế chuồng trại để khắc phục các vấn đề đó. Tránh tình trạng phải sửa chữa, làm đi làm lại sau này. Đa số các yếu tố, vấn đề sẽ được nêu ra ở phía dưới bài viết này, nên anh em đọc và nghiên cứu kỹ càng nhé! "

■ Khi làm chuồng gà, cột kèo phải kiên cố chắc chắn, vì một năm nước ta có tới khoảng 12 cơn bão, nên chuồng gà của anh em phải có đủ sức để chống chịu lại được.

Chiều cao trung bình của một chuồng gà là khoảng 2,5 mét đến 3 mét, nếu làm được dạng chuồng dài là tốt nhất, thuận tiện cho việc chia ô chuồng sau này.

Cách làm chuồng gà đơn giản

Nên chia gà thành nhiều ô nhỏ- dễ kiểm soát - gà lớn đồng đều


■ Mùa hè - chuồng gà thường gặp vấn đề gì? 

• ​Bình thường chúng ta hay lợp mái cho chuồng gà bằng ngói brô-xi-măng vì giá rẻ và dễ thao tác. Nhưng ngói này lại có nhược điểm rất lớn, đó là vấn đề cách nhiệt. Nếu anh em nào đã nuôi gà vào mùa hè thì sẽ rõ, phải nói là cực khổ vô cùng, lúc đó gà chỉ có xõa cánh và nằm thở, ăn thì vẫn ăn nhưng lại không hề lớn chút nào.

• Thậm chí vào những ngày nắng to, Gà bị say nắng chết hàng nắng loạt trong khi chúng ta còn đang ngủ ngon trong phòng lạnh điều hòa. Những ngày như vậy bên trong chuồng gà nhiệt độ có thể lên tới 45°C. Vậy đây chắc chắn là bài toán lớn nhất cần giải quyết trước khi bắt tay vào xây dựng chuồng nuôi gà.​

Xem thêm: Kinh nghiệm nuôi Gà mùa nóng.

• Vậy cách chống nóng cho chuồng gà vào mùa hè là như thế nào?


cách làm chuồng gà đơn giản , thiết kế chuồng gà giá rẻ

Làm chuồng gà kết hợp việc trồng sắn dây để chống nóng mùa Hè.


Có hai cách chống nóng cho chuồng gà đang được bà con nuôi gà áp dụng rất phổ biến để xua tan đi cái nóng mùa cho các bạn gà là trồng cây leo hoặc làm dàn mưa nhân tạo. Nhưng tốt nhất và đảm bảo theo tiêu chí tiết kiệm thì chúng ta nên trồng cây sắn dây bò lên mái để chống nóng mùa hè thay vì làm dàn mưa nhân tạo. Vì sắn dây không tốn điện, lại không mất chi phí lắp đặt như dàn mưa, sắn dây xanh tốt quanh năm, sống thọ tới 5 năm, tán lá dầy khoảng 30cm nên che chắn cho chuồng nuôi gà cực tốt.

• Trồng sắn dây có thể làm nhiệt độ chuồng nuôi gà giảm bớt đi tới 6°C vào mùa Hè và cũng có tác dụng giữ ấm cho chuồng gà vào mùa Đông giá rét. Nếu bà con theo hướng trồng sắn dây, thì khi thiết kế xây dựng chuồng gà thì nên làm cột kèo cho chắc chắn một chút để chịu thêm tải trọng của sắn dây.

• Nếu có nhiều "vốn" thì anh em có thể lợp hẳn bằng tôn lạnh. giá trung bình bây giờ khoảng 130k/m² cũng không quá đắt như ngày xưa.


■ Làm chuồng gà đơn giản đến khi gặp mưa to, bão lớn thì sao?

​ Chuồng gà có xây dựng đơn giản đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn phải thiết kế cột kèo chắc chắn để có thể chống chịu được gió to, gió giật khi gặp mưa bão. Mưa bão là điều không thể tránh khỏi, vậy thứ chúng ta cần làm chỉ có thể là sự chuẩn bị tốt nhất mà thôi. Anh em cũng nên xem dự báo thời tiết thường xuyên vào những tháng mưa bão để cho gà uống thuốc phòng cũng như có sự chuẩn bị về các thiết bị chống mưa bão cho gà. Tránh mưa gió tạt vào chuồng làm gà bị ốm, vì chúng rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là mưa và gió.

Xem thêm: Kinh nghiệm nuôi Gà mùa mưa.

cách làm chuồng gà

Làm chuồng gà cần thiết kế cột kèo chắc chắc , che chắn tốt, tránh mưa tạt - gió lùa


■ Mưa dầm, mưa kéo dài rất dễ làm gà bị bệnh.

Mưa lâu và kéo dài nhiều ngày sẽ làm chuồng trại ẩm ướt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của gà. Chính vì vậy, khi xây dựng chuồng trại nuôi gà, chúng ta luôn phải để ý tới vấn đề dòng chảy của nước mưa. Tuyệt đối không để nước chảy vào trong chuồng, luôn cần có bạt che chắn cẩn thận.

cách làm chuồng nuôi gà

Thiết kế một chuồng gà thông thoáng nhưng vẫn che chắn được nước mưa.


• Anh em chỉ nên rải một lớp chấu , mùn cưa... mỏng khoảng 1cm vào mùa này, chúng ta có thể thay chấu 3 ngày 1 lần. Vì khi trời mưa chúng ta không thể thả gà ra ngoài, nên chúng sẽ ị ngay trong chuồng, cộng với thời tiết ẩm ướt sẽ là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát sinh nên chúng ta cần thay trấu mới. Còn tại sao chỉ nên đổ trấu dầy chỉ khoảng 1cm? Thứ nhất là tiết kiệm, vì 3 ngày thì lượng trấu như vậy là thừa đủ, thứ hai, đó là giảm công sức lao động, chỉ cần cái chổi và xẻng, chúng ta hốt một tí là hết. ( vì lượng trấu chúng ta trải khả mỏng)

• Anh em có thể sử dụng men vi sinh - nhưng nên cân nhắc nhé! giờ chọn được men tốt " như ngày xưa" cũng là cả một vấn đề đấy ạ. Với lại nếu dùng men thì chấu phải trải 10cm - mà hạn sử dụng chắc chỉ được 20 ngày ( với các loại men thời bây giờ)


■  làm chuồng gà thấp hay cao sẽ tốt hơn?

• Chuồng nuôi gà mà thấp quá cũng không tốt, chúng ta sẽ không nuôi được nhiều, mà cao quá thì lại tốn chi phí. Nên chúng ta chỉ nên làm ở mức vừa phải, không cần cao quá 3 mét. Chúng ta nên thiết kế chuồng nuôi gà sao cho bên trong chuồng luôn thoáng mát vào mùa hè, ấm áp mùa đông.

• Để không khí luôn lưu thông, nhất là những ngày ít gió, oi bức bà con nên thiết kế 2 đến 3 chiếc quạt hút khí CO2 ra ngoài. Lưu ý không nên dùng để quạt thổi thẳng vào mặt gà, chỉ nên đặt ở trên cao, tạo ra một dòng không khí lưu chuyển - một đầu hút - một đầu thổi.

• Vì gà hô hấp rất nhanh nên lượng CO2 thải ra cũng rất lớn, nên anh em thiết kế sao cho mùa đông ( ở miền Bắc) vẫn đóng được cửa mà trong chuồng vẫn luôn thoáng khí .

Xem thêm: Kinh nghiệm nuôi Gà mùa lạnh


■ Làm chuồng gà như thế nào cho thuận tiện khi gà bị bệnh?

Tại sao ở những trại chăn nuôi chuyên nghiệp, gà cũng hay bị bệnh nhưng thường rất nhanh khỏi? Có phải họ dùng thuốc tốt hơn hay có kinh nghiệm nhiều hơn? Thật ra thì thuốc và cách chữa trị khi gà bị ốm của họ cũng chẳng khác chúng ta là mấy. Nhưng họ có một bí mật mà chúng ta không để ý tới, đó là khi họ "thiết kế chuồng trại chăn nuôi gà, họ đều có riêng một khu cách ly". 

=)) Cách ly để làm gì ?

• Rất nhiều anh em hay chủ quan ở vấn đề này, nên khi gà bị ốm thường phải trị cả đàn, mà rất khó khỏi, tốn kém nhiều tiền thuốc mà lại hiệu quả không cao, ảnh hưởng cả những con khỏe, vì cũng bị tiêm bị uống thuốc như những con ốm.

• Có chuồng cách ly, thì mọi chuyện đã khác, theo dõi bệnh tật cũng như chăm sóc những con gà bị bệnh tốt hơn, tránh làm lây nhiễm làm dịch bệnh ra cả đàn. Vì gà rất hay lây bệnh của nhau, có chuồng cách ly thì chúng ta sẽ dập tắt nhanh hơn, ngay từ những con có triệu chứng đầu tiên chúng ta cách ly và điều trị luôn.

• Một lợi ích khác của chuồng cách ly là: anh em có thể lọc những con gà gầy gò ốm yếu ra một chỗ để nuôi riêng. Vì nếu nuôi những con đó cùng cả đàn thì rất bât lợi. Thứ nhất, những con đó không tranh ăn được nên ngày càng gầy. Thứ hai, khi thời tiết thay đổi , những con gầy gò ốm yếu đó sẽ mắc bệnh và ... lây ra cả đàn.

cách làm chuồng để nuôi gà


■ Mật độ nuôi gà sao cho hợp lý.

Trung bình nên nuôi gà với mật độ 5 con/m² để đảm bảo diện tích và không gian cho gà. Nhưng nếu thiết kế được sàn đậu cho gà, anh em có thể tăng mật độ lên đến 8 con/m². Vậy làm sàn cho gà đỗ như thế nào là tốt nhất, xin hãy tiếp tục đọc phía dưới.​


 ■ Có nên làm sàn lưới cho gà đỗ hay không?

Có rất nhiều anh em đã từng hỏi rằng, có nên cho gà sống trên sàn lưới để sạch phân hay không? Và câu trả lời chắc chắn là không nên, vì sàn lưới dễ làm xước chân gà, những vi khuẩn theo vết thương đó đi vào các khớp gây viêm nhiễm, làm gà bị liệt. Bệnh này rất khó chữa vì kháng sinh khó mà đi được vào xương khớp của gà. Một lý do khác nữa là nằm trên sàn lưới, gà rất hay nằm chen chúc đè lên nhau, rất dễ bí hơi và ảnh hưởng đến bộ lông mượt mà của chúng. Làm sàn lưới cũng khó vệ sinh nữa. Làm chỗ đậu tốt nhất cho gà hiện nay là sạp đỗ hình thang, vừa nhanh - vừa đơn giản - vừa rẻ.

• Làm sạp đậu cho gà hình chiếc thang, thiết kế đơn giản, chi phí thấp, mua cây đót chỉ 7k/ cây

• Gọn gàng, dễ vệ sinh, chỉ cần dựng sát vào tường là có thể dọn chuồng dễ dàng.

• Tận dụng được nhiều cành cây sẵn có tại gia đình.

• Tăng diện tích không gian chuồng nuôi. Gà đỗ từng tầng từng tầng một. Không nằm đè lên nhau.

• Cho gà sống đúng bản năng leo trèo và phân cấp thứ bậc, lại còn hạn chế được tối đa việc gà cắn mổ lông nhau. Vì khi đỗ trên đó gà chỉ có thể quay mặt đằng trước hoặc đằng sau, không quay sang mổ nhau hay ăn lông nhau được nữa.

• Gà nằm trên cao ít bị ốm hơn gà nằm dưới nền đất.


làm chuồng gà như thế nào ?

Hình ảnh chiếc sạp hình thang đặt trong chuồng gà --ngon-bổ-rẻ

Xem thêm: Cách làm sạp đậu cho Gà.

►►► Thôi bài viết cũng khá dài rồi - viết nữa chắc anh em nản mà chạy hết mất. Có vấn đề gì hoặc cần trao đổi, hỏi đáp về kỹ thuật nuôi gà, anh em cứ chat ở mục hỗ trợ phía góc màn hình nhé. Anh em trong hội sẽ luôn sẵn lòng giải đáp các thắc mắc của bạn.

Tham gia vào hội nuôi gà trên FaceBook để luôn được chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà hay nhất nhé!

***




♦ Bài trước: Các bệnh của gà, anh em nên biết

♦ Bài sau: Cách úm gà con hiệu quả cao, ít hao hụt




Bình luận (12)
dam-huu-ai
Đàm hữu Ái
28 November 2016
Học cách nuôi gà
dam-huu-ai
Đàm hữu Ái
28 November 2016
Học cách nuôi gà
dawheeple
Dawheeple
28 November 2016
Ilyozh https://newfasttadalafil.com/ - cialis online cheap Fcseiq how much does cialis cost Rfhbfl Proscar O Propecia https://newfasttadalafil.com/ - generic cialis 5mg Oidveq generic cialis in australia
quan-ok
Quân ok
28 November 2016
Rất hay và hữu ích lắm
banh-khanh-ngan
Bành Khánh Ngân
28 November 2016
Gà đứng dồn cục là vì sao ?
Viết bình luận